banner project

Phân tích Tác động của Chính sách Thuế quan đối ứng (mới) của Hoa Kỳ

Apr 08, 2025

Vào ngày 2 tháng 4 năm 2025, Hoa Kỳ đã công bố một chính sách thuế quan mới thông mang tên "Điều chỉnh nhập khẩu bằng thuế quan đối ứng để khắc phục các hoạt động thương mại góp phần tạo ra thâm hụt thương mại hàng hóa hàng năm lớn và dai dẳng của Hoa Kỳ." (nguồn: Regulating Imports with a Reciprocal Tariff to Rectify Trade Practices that Contribute to Large and Persistent Annual United States Goods Trade Deficits – The White House)" (tạm gọi là Chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ”).

Về cơ bản, Chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ được thiết kế nhằm điều chỉnh cán cân thương mại thông qua việc áp dụng mức thuế quan mới với hơn 180 đối tác thương mại. Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất với thuế suất là 46%. Là một doanh nghiệp đang vận hành và tham gia vào thị trường dịch vụ tổng thầu các công trình dầu khí và điện gió ngoài khơi toàn cầu, tuy nhiên, PTSC M&C cómột đối tượng chịu tác động của chính sách này hay không?
 

Nghiên cứu và ứng dụng Chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ - Section 3(f) và Quy định về Nội dung Hoa Kỳ

Đi sâu vào phân tích Chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ, một điều khoản quan trọng được quy định tại Section 3(f), đưa ra các hướng dẫn liên quan đến việc sử dụng thành phần có nguồn gốc từ Hoa Kỳ trong các sản phẩm nhập khẩu. Nội dung của Section 3(f) quy định như sau:

"(f) Nói chung, các mức thuế theo giá trị được nêu trong chính sách này sẽ chỉ áp dụng cho phần giá trị không phải của Hoa Kỳ trong sản phẩm nhập khẩu, với điều kiện ít nhất 20% giá trị của mặt hàng đó có nguồn gốc từ Hoa Kỳ. Trong phạm vi điều khoản này, 'nội dung Hoa Kỳ' được hiểu là giá trị của mặt hàng gắn liền với các thành phần được sản xuất hoàn toàn hoặc được chuyển đổi đáng kể tại Hoa Kỳ. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) được ủy quyền, trong khuôn khổ pháp luật, yêu cầu cung cấp thông tin và tài liệu liên quan đến mặt hàng nhập khẩu, bao gồm cả hồ sơ nhập cảnh, nhằm xác minh giá trị nội dung Hoa Kỳ cũng như mức độ hoàn thiện của sản phẩm tại Hoa Kỳ."

Điều khoản này xác định rằng, nếu một sản phẩm nhập khẩu đạt tỷ lệ nội dung Hoa Kỳ (nghĩa là tỷ lệ nội địa hóa) tối thiểu 20%, mức thuế áp dụng (ví dụ, 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam) sẽ chỉ tính trên phần giá trị không xuất xứ từ Hoa Kỳ. Phần giá trị nội dung Hoa Kỳ sẽ được xem xét miễn thuế, qua đó có thể giảm tổng mức thuế phải chịu đối với các sản phẩm đáp ứng điều kiện này.

Đối với Công ty PTSC M&C, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, mua sắm, xây dựng và lắp đặt cho ngành dầu khí và năng lượng tái tạo, chính sách này có thể trở thành một yếu tố cần xem xét trong trường hợp Công ty xuất khẩu các sản phẩm như giàn dầu khí và điện gió sang thị trường Hoa Kỳ. Chiếu theo Section 3(f), PTSC M&C có thể xác định "nội dung Hoa Kỳ" trong các sản phẩm này, bao gồm các thành phần như:

  • Các thiết bị, vật tư thể được sản xuất, hoặc tích hợp, lắp ráp tại Hoa Kỳ (có thể rất nhiều, từ các thiết bị lớn như máy nén, cẩu, đến vật tư nhỏ như cáp điện).
  • Dịch vụ thiết kế của nhà thầu thiết kế Hoa Kỳ, phần mềm dùng trong hệ thống điều khiển.
  • Dịch vụ vận hành – chạy thử do các chuyên gia tại Hoa Kỳ thực hiện.

Nếu tỷ lệ nội dung Hoa Kỳ trong mỗi sản phẩm vượt quá 20% giá trị sản phẩm, mức thuế áp dụng có thể được giảm xuống, với chỉ phần giá trị không phải của Hoa Kỳ chịu mức thuế 46%.

Sự linh hoạt và khả năng đáp ứng của PTSC M&C

Thông qua những kinh nghiệm vận hành và thực hiện các dự án gần đây, PTSC M&C đã thể hiện năng lực trong việc đáp ứng các yêu cầu về nội địa hóa trong các dự án quốc tế. Cụ thể, công ty đã có thể thỏa mãn tỷ lệ nội địa hóa từ 30% đến 50% cho các dự án tại Ấn Độ và xem xét mức gần 60% cho các gói thầu tại UAE. Với thị trường Qatar, Công ty cũng huy động tối đa các nguồn lực địa phương tham gia vào dự án với tỉ lệ khoảng 25% tổng giá trị của dự án. Các kinh nghiệm triển khai thực tế nói trên cho thấy PTSC M&C có khả năng điều chỉnh phương thức thực hiện Dự án để đáp ứng các tiêu chí đặc thù của từng thị trường/ khách hàng, bao gồm cả yêu cầu về nội dung Hoa Kỳ nếu cần thiết.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ chưa phải là thị trường mục tiêu của PTSC M&C trong thời điểm hiện tại. Công ty vẫn duy trì trọng tâm hoạt động tại các thị trường đã thiết lập là Việt Nam, Đông Á và Nam Á, Châu Âu và đặc biệt là Trung Đông. Nhu cầu phát triển dự án dầu khí và năng lượng tái tạo tại các thị trường này đang ở mức cao và rất cao, và hầu hết các nhà thầu trong khu vực đều đang có rất nhiều dự án, một số nhà thầu thậm chí quá tải. Do đó, thị trường Hoa Kỳ nếu có thì cũng chỉ có thể được xác định trong thời kỳ dài hạn; khi đó, chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ cũng có thể đã thay đổi thông qua việc điều chỉnh chính sách hoặc các chương trình đàm phán cấp quốc gia; đồng thời, năng lực gia công, chế tạo các thành phần trong dự án của các nhà thầu Hoa Kỳ đã tăng cao – qua đó gia tăng nội dung Hoa Kỳ, giảm giá trị thuế nhập khẩu. Dù vậy, với năng lực đã được chứng minh trong việc đáp ứng các yêu cầu nội địa hóa trên phạm vi toàn cầu, PTSC M&C hoàn toàn có thể thích ứng với các quy định tương tự của Hoa Kỳ nếu cần thiết, trong tương lai.